Khi bắt đầu ngấp nghé 30 hoặc trên 30 tuổi một tí, bạn sẽ bắt đầu ý thức được vấn đề làm sao để chạy cho nhanh, nhanh & nhanh hơn nữa.
Tâm lý này sẽ xuất phát từ việc ta bắt đầu đối mặt với các khoản chi phí cho những nhu cầu cuộc sống theo tiêu chuẩn vô hình mà xã hội áp đặt (Cái này cũng tùy mỗi người)
Tất nhiên chạy cho nhanh có nhiều góc nhìn trái chiều.
Thế giới tươi đẹp thế này, chạy nhanh rồi lấy gì mà nhâm nhi, nhấm nháp?
Nhưng rõ rồi, ở độ tuổi này phần đa bạn làm gì được có cái diễm phúc đó?
Những vấn đề mới, chưa thể kiểm soát cứ chực chờ đổ ầm ầm lên đầu bạn.
Ta không thể cứ thế phủ nhận hết, buông bỏ rồi ''Đưa Nhau Đi Trốn" (Đen Vâu).
Vâng, ta còn trách nhiệm.
Sự cồng kềnh trong hàng đống trách nhiệm (mà ta cũng không biết điều đó nên làm sao thì được gọi là trách nhiệm) phải mang nặng cả 2 vai, chúng khiến ta oằn mình. Ta sợ người đời, người thân phán: VÔ TRÁCH NHIỆM. Vì lãnh ngay cái cú đó vô mặt là toi đời, chẳng ai thèm đếm xỉa gì tới cái tôi của bạn nữa, do vậy mà lẩn quẩn. Stress.
Là thế này, bạn muốn sở hữu, muốn hưởng thụ, muốn trải nghiệm cái gì đó nhanh nhanh chút, thì tất nhiên phải làm mọi thứ thật nhanh. Cái gì cũng có cái giá của nó theo định luật cân bằng. Muốn có thứ gì có giá trị, phải trả lại công sức với giá trị tương đương. Vì, xã hội là để phục vụ lẫn nhau. Ta không thể cứ hốt sự phục vụ không công của người khác trong khi mình không phục vụ lại được ai.
Trừ khi là không khí - cái này bạn được "Ai" đó phục vụ miễn phí.
Như vậy, chạy nhanh cũng có nghĩa là làm cái gì đó nhanh, có kết quả nhanh, phục vụ ai đó nhanh, thì bạn sẽ sớm được sở hữu hoặc hưởng thụ nhu cầu của bạn nhanh mà thôi.
Có điều, đời đâu dễ thế.
Khi còn chưa phân biệt được thứ gì giúp ta chạy nhanh hơn, và thứ gì khiến ta bị chậm lại, thì để cho an tâm, ta cứ thế gom hết làm hành trang lên đường. Đây là một tư tưởng khá phổ biến, đặc biệt là người Việt (có cái từ nghe hay lắm: đùm túm). Vì ai cũng sợ thiếu, sợ bỏ sót, thôi thì cứ gom hết. Nhỡ trên đường chạy ta cần chúng thì sao?
À, ngay khi bạn phát hiện ra: cồng kềnh rồi và bạn 1 lần nữa nhìn lại đồng hồ, hay quyển lịch gì đó...thanh xuân đã không cánh mà bay, ta chưa kịp làm gì cả.
Theo một số định nghĩa của các triết gia, kiến thức là tài sản quý giá nhất của nhân loại, nó sẽ trở thành di sản sau khi bạn ra đi. Từ kiến thức, có thể tác động vào động cơ, tạo hành vi và hành động. Có hành động thì mới có kết quả.
Vậy, nếu xem xét trong mớ hành trang hữu hình và vô hình, có nhẽ là đem kiến thức đi thôi thì sẽ chạy nhanh dữ lắm, vì nó không cồng kềnh cho mấy.
Không không không, có vô hình thì nó cũng cồng kềnh. Bạn hiểu ý tôi chớ? Cái gì bạn cũng muốn học, cái gì bạn cũng muốn tham gia, cái gì bạn cũng muốn biết, cái gì cũng muốn dây vào.
Có mệt không? Có bao đồng không?
Xã hội cũng dần ý thức được rằng, dù anh nói cho hay, nhưng anh làm dở ẹc...thì tôi vẫn không công nhận anh.
Rõ thế.
Nhận thức đúng của kiến thức, chính là tìm kiếm từ khóa kiến thức nhưng vừa đủ thôi (này sách vở, trường học làm tốt lắm), sau đó làm bất chấp, thì nó sẽ tạo ra kiến thức của hành động. Cũng có thể hiểu đó là kiến thức đường phố. Mấy cái thứ này trường lớp nào dạy cho nổi, vì nó còn phải được ướm vào trong cá tính cá nhân của bạn xem có phù hợp không nữa mà.
Kiến thức hành động, là một loại kiến thức được rút tỉa sau khi đã kinh qua. Chúng chứa nhiều năng lượng, chứa nhiều sự quyết liệt khẳng định, chứa nhiều tính khả thi.
Từ nay, muốn nhanh, thì cứ xông pha ra, đi tìm những người kinh qua trong vấn đề đó rồi mà học. Nhanh hơn nhiều. Gạn hết mớ kiến thức rối ren trong đầu đi, chúng nhiều quá rồi, full bộ nhớ.
Học 1 phải làm cho ra 10. Đừng có học 10, mà làm chưa tới 1.
Nguyễn Trí Nhân - CEO of Tedfast