Nếu bạn quan tâm chủ đề này thì chắc là đang mắc bệnh đọc sách giống mình.
Người ta nói, đọc sách là đang thừa kế kiến thức của các bậc vĩ nhân của thập niên trước. Đọc sách là nâng cao trí tuệ, kiểu gì cũng giỏi, cũng giàu...điều này liệu có đúng?
Theo góc nhìn triết học, mọi hạnh phúc vui buồn, sướng khổ đều bắt nguồn từ góc nhìn của con người, bởi thế giới là một, thế giới là con voi, và con người giống như những thầy bói mù xem voi. Do vậy, mọi sự quan tâm và giải quyết sẽ hướng tới con người. Theo đó, sách chia ra những loại liên quan tới con người như sau:
1. Sách nhận thức - đọc sách chủ đề này mình sẽ hiểu được lý do tại sao con người lại làm điều đó, động cơ nào? Định luật nào, nguyên tắc nào,...bạn sẽ được dẫn dắt mãi về nguyên nhân gốc rễ, nguồn cội vấn đề..., các định luật vật lý, năng lượng, tâm linh, vũ trụ...sẽ xuất hiện - mình tạm gọi là sách WHY
2. Sách định nghĩa - đọc sách chủ đề này mình sẽ phân biệt, định nghĩa mọi thứ thật rõ ràng, các tên tuổi, định nghĩa mọi sự vật hiện tượng, sự kiện, biến cố, từ đó có cái nhìn, tư duy phân định mọi thứ mạch lạc, rõ ràng, rạch ròi hơn - mình tạm gọi là sách WHAT
3. Sách hướng dẫn - đọc sách chủ đề này mình sẽ biết cách làm như thế nào để có được kết quả đó, từng bước đạt được điều mình muốn trong cuộc sống - mình tạm gọi là sách HOW
4. Sách văn học - đa phần chủ đề này là các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, thi ca..đọc sách dạng này mình sẽ có được 1 tâm hồn phong phú, đa dạng, thân thiện, nhìn cuộc sống qua một lăng kính nào đó đa chiều và tốt đẹp hơn - mình tạm gọi sách này là sách LITERARY
Người ta thường chọn và đọc sách theo tình huống công việc và cuộc sống trong 1 giai đoạn đó. Trục trặc cái gì, kiếm sách đọc cái đó..như thế mới có hứng thú mà đọc sách.
Có nhiều bạn cứ vào nhà sách, lựa cả đống sách về rồi để vào trong kệ sách, hoặc thấy một quảng cáo sách với cái tựa hay liền đặt mua, nghĩ rằng rồi cũng sẽ có ngày mình sẽ đọc nhưng...
Giờ thế này nhé, đây là lời khuyên thôi...
1. Dở ăn dở nói, thiếu từ ngữ để dùng diễn tả ý kiến, ý đồ, ý định của mình, không biết bắt chuyện, ngoại giao, không hiểu cuộc sống tươi đẹp thế nào..thì mua sách LITERARY về đọc, đọc vài ba quyển sẽ tăng kỹ năng dùng từ, tăng độ tưởng tượng câu chuyện, trao đổi giữa người và người tự nhiên thú vị hơn, hiểu về góc nhìn văn hóa, cuộc sống sẽ khiến bạn cảm thấy thế giới thiệt là mỹ miều. Mình rất nể những người đọc sách văn học nhiều, ăn nói kiểu gì, viết lách cái gì cũng thu phục được lòng người khác hết. Sách dạy làm giàu không làm được. Ngày trước mình không đọc sách dạng này, tâm hồn khô khan, trống rỗng, từ ngữ nghèo nàn, ăn nói vô duyên, hàm hồ, tư duy ấu trĩ..giờ thấy thấm thía quá..Sở dĩ như vậy là vì các tác giả viết sách đã tưởng tượng và bơm vào từng trang sách các thế giới quan khác nhau, họ lại còn đặc biệt nắn nót, căn ke từng con chữ, từng từ ngữ, cách dùng từ, cách đặt câu, cách đặt vấn đề..họ sử dụng rất điêu luyện và rất nghệ. Được mà 30% như họ thôi là đã hay ho lắm rồi.
2. Sách Why, sách What và sách How, thì nên ưu tiên sách nào trước? Đọc cho có trình tự đặng tiết kiệm thời gian?
Theo góc độ cá nhân mình, thì 3 sách này đọc song song, và nâng cấp độ từ từ. Tuyệt đối không được để các kiến thức trong sách nào quá cao cũng không được để cái nào quá thấp. Sách Why thì ưu tiên hơn cả, nhưng không có sách What và How hỗ trợ thì suốt ngày trên mây trên gió, ăn nói toàn mấy cái lý thuyết vớ vẩn. Người ta gọi là phi thực tế.
Một tác giả đã từng rất đả kích vụ Hàn Lâm và Đường Phố. Ổng nói, từ kiến thức Hàn Lâm mà tiến tới kiến thức Đường Phố là xa cả vạn dặm. Những người đọc sách Why nhiều mà thiếu sách What và How thì nói mọi thứ như đúng rồi, chừng bắt tay làm thì không ra cái gì cả. Rõ ràng kiến thức rất uyên bác, uyên thâm, nhưng làm thì lại rất tệ. Bởi vì làm là kiến thức Đường Phố, sách How quan trọng lắm.
Tuy nhiên những người đọc sách How xong, cứ cắm đầu làm mà chẳng hiểu nó dẫn tới đâu, cứ đi nhưng đi trong vô định, hoặc cuối cùng cũng tới đích nhưng tốn thời gian cực kỳ. Mà đời người thì ngắn ngủi. Rút kinh nghiệm chỉ từ những trải nghiệm bản thân thôi thì không đủ thời gian.
Các thể loại sách tâm linh, vũ trụ, bản ngã...thuộc thể loại sách Why, đọc sách này phải cẩn thận. Phải có căn cơ, trải nghiệm, rút tỉa khá dày..không là dễ bị thiên hạ cho là bị điên bị khùng, dễ bị đưa vào viện tâm thần lắm đó..hình như ông Vũ Trung Nguyên cũng bị đưa vô mấy lần..người hàm thụ được sách này cũng đếm trên đầu ngón tay. Đã trải qua hết các hỉ nộ ái ố và đạt tới cảnh giới có thể kiểm soát được chúng.
3. Những bạn thiếu đọc sách What, nói năng mọi thứ cứ trà trộn định nghĩa vào nhau, nói tham lam, nói bất chấp, dẫn giải tình huống lạc đề, lấy chuyện này cắm vào chuyện kia, làm người nghe mệt mỏi, bản thân thì không biết nói xong cái đó để làm gì, người nghe tiếp nạp thông tin đó xong để làm gì? Không phân biệt nặng nhẹ, không phân biệt phải trái, đúng sai, cứ như sợ không nói người ta cho là mình không biết. Một số việc nhẽ ra diễn giải đúng thì nó đã đơn giản hơn rồi, nhưng cứ thích làm cho nó hỗn loạn, nghiêm trọng hóa vấn đề. Ôi thôi người nghe chỉ còn biết cách...im lặng, lắc đầu ngao ngán và thôi..bớt giao tiếp cho đỡ mệt.
Tóm lại, đọc sách cũng cần phải có chiến lược. Thiếu gì đọc đó, cần bổ sung gì thì mua sách đó đọc, không mua lấy le, mua trang trí, mua để chứng tỏ ta đây, tốn tiền tốn bạc nhưng không tích nạp thêm được giá trị gì. Tuy nhiên, cũng cần phải phân loại sách để mà đọc cho đỡ mất thì giờ. Biết thiếu thể loại sách gì cần đọc bổ sung cũng đã là điều tốt rồi.
Từ nay có thể tạo được thói quen đọc sách, đừng bữa đực bữa cái giống mình, là do không biết đọc sách gì để hứng thú đọc hoài.
Dũng cảm đem bớt sách vô ích bỏ ra khỏi kệ sách của mình thôi.
Nguyễn Trí Nhân - CEO of Tedfast