Hotline:
0931 823 889
Khởi nghiệp - luật công bằng
20/04/2024
Khởi nghiệp - luật công bằng

Ở mảng phục vụ cho khách hàng khởi nghiệp là thiết kế nhận diện thương hiệu, website, hồ sơ năng lực, catalogue…tôi chứng kiến khá nhiều câu chuyện liên quan tới khởi nghiệp. Cái khoảnh khắc mà bắt đầu bán tín bán nghi về bản thân đó, mâu thuẫn nội tâm cực kỳ giằng xé. Tôi có hàng trăm bạn bè, khách hàng như vậy.

Tôi không bàn tới các khía cạnh khác ở khởi nghiệp như tính toán làm ăn, kinh doanh,…nhưng tôi bàn tới khía cạnh đấu tranh tâm lý giữa việc rời nơi làm việc cũ với ông chủ cũ sang khởi động một dự án kinh doanh mới cho những hoài bão ước mơ của mình.

Đành rằng, khởi nghiệp là một điều tốt, nó khiến cho những người có những ý tưởng táo bạo, vượt lên tư duy cũ để khởi động một hệ giải pháp mới phục vụ cộng đồng xã hội tốt hơn, đi lên, phát triển…Đó là góc nhìn tốt. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những lý do không ai nói ra, đó là tiền bạc, lương bổng, công ăn việc làm, sự tự do thoát khỏi sự làm việc theo ý chí của ông chủ mình…

Theo góc nhìn của tôi, và vì chứng kiến rất nhiều mảnh đời khởi nghiệp, tôi nhận thấy hết 95% thất bại tất cả chỉ vì động cơ khởi nghiệp xuất phát từ các cảm xúc nhất thời, bồng bột do việc ấm ức, bực bội ông chũ cũ và môi trường cũ, muốn thoát ra khỏi sự ấm ức đó là chính…

KHỞI NGHIỆP LÀ SỰ CẢM NHẬN NỖI ĐAU, NHU CẦU THỊ TRƯỜNG & BẢN THÂN MÌNH CÓ ĐỦ KHẢ NĂNG ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC NỖI ĐAU ĐÓ TRONG MỘT NGÂN SÁCH (GIÁ TRỊ) THỊ TRƯỜNG CÓ THỂ CHI TRẢ ĐỂ CÔNG TY BẠN CÓ THỂ TỒN TẠI.

Nói cách khác, nếu bạn đã lỡ khởi nghiệp vì lý do gì rồi, hãy reset lại tư duy của mình theo câu nói của tôi ở trên thì có thể bạn sẽ tiến lên trong thời gian tới, còn không thì…nên ngưng lại thôi.

Hết 80% các ông chủ khởi nghiệp mới đều xuất phát từ chuyên môn, kỹ thuật,...rất giỏi nghiên cứu tạo ra giải pháp cho sản phẩm, dịch vụ…nhưng ngặt nỗi kỹ năng đó chỉ chiếm có 30% trong sự thành công của doanh nghiệp…thiếu tới 70% về khả năng tính toán kinh doanh, marketing, tài chính, bán hàng, nhân sự…nữa mới đủ. Nguy hiểm là ít ai nhận ra điều này.

Có những người dự định bắt tay khởi nghiệp nhưng có nỗi sợ vô hình không mang tên thì nay tôi chỉ ra là nó luôn đó. Kỹ năng đàm phán, bán hàng, hồ sơ, chứng từ, báo giá, hợp đồng, nghiệm thu, quản lý dự án, tiến độ, marketing, tài chính, nhân sự…

Trong Kim Tứ Đồ (Làm công -> tự doanh -> làm chủ -> nhà đầu tư), thì tự doanh (mốc số 2) chính là mốc gian nan nhất. Nó giống như bạn chuyển trạng thái còn phụ thuộc tiền bạc của công ty sang tự lo. Nó chứng tỏ bạn đã trưởng thành, tính trách nhiệm xã hội đã được hình thành & bạn có quyền tự tạo ra sản phẩm để cung cấp cho thị trường, chịu sự đánh giá của thị trường và được thị trường trả công thay cho ông chủ.

Nhưng bạn biết rồi đấy, kiếm tiền từ ông chủ coi bộ dễ hơn từ thị trường. Ngày xưa ta chỉ có 1 ông chủ, giờ tất cả khách hàng chính là ông chủ. Não của bạn phải hoạt động ở tất cả các phạm trù một cách đa nhiệm hơn, thời gian làm việc dài hơn. Tất nhiên, nếu thành công, thì phần thưởng cũng ổn hơn…

Khi bắt đầu, bạn lo lắng, giấu giếm mọi thứ mình làm vì sợ ông chủ, đồng nghiệp mình biết mình đang có mưu đồ, giống như điều gì đó xấu xa vậy…Tuy bạn bắt đầu muốn bước 1 chân ra khỏi công ty, nhưng bạn vẫn muốn nhận những đồng lương ổn định sao cho tài chính cá nhân vẫn ổn định nhất, qua đó, bạn chểnh mảng cả 2 bên…công việc cũ và dự án khởi nghiệp mới. Đây là thời kỳ quá độ, đấu tranh, giằng co tư tưởng…

Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ như đang vận hành ngược lại. Sự mất cân bằng càng ngày càng bị lún sâu.

Thứ nhất, bạn không công bằng với ông chủ cũ của mình khi tâm trí bắt đầu chểnh mảng mà bạn vẫn nhận đủ lương như thể bạn đang làm việc với hết tinh thần ở công ty cũ vậy…

Thứ hai, bạn không công bằng với dự án khởi động mới, vì bạn không toàn tâm toàn ý cho giải pháp sản phẩm mới để nhanh bung chúng ra thị trường hơn.

Thứ ba, bạn không công bằng với chính bạn khi bắt não phải làm việc trong trạng thái có lỗi, ấm ức, mâu thuẫn, dè dặt, sợ sệt…rồi lại quá khích, hân hoan, mơ ước, kỳ vọng,…

Càng dùng dằng, dây dưa, dè dặt lâu thì bạn càng phải trả giá đắt…

Nếu bạn nghĩ còn kiếm được đồng nào hay đồng đó từ công ty cũ thì một ngày bạn phải trả lại hết nó cho thị trường sau khi đã bung ra ngoài. Bởi vì khả năng tự lập sớm không có.

Bạn không có khả năng giải quyết các rủi ro sớm, mất mát sớm…đơn giản chỉ có vậy.

Để tránh các sự thiếu cân bằng như tôi đã trình bày ở trên. Đầu tiên, bạn cần hiểu một số vấn đề & tư duy mọi thứ theo cách khác sao cho phù hợp với gợi ý như sau:

1. Không ai có thể giữ bạn lại khi bạn không muốn & ông chủ cũ cũng vậy. Bạn cần thẳng thắn với ông chũ, hãy tỏ rõ rằng em muốn khởi nghiệp và em sẽ bàn giao lại công việc này lại cho công ty trong…tháng, hãy sắp xếp người hoặc bạn có thể giới thiệu, đề xuất người nào đó thay bạn…Hãy làm điều này để trả lại các món nợ ân tình với Sếp cũ, dù là trao đổi công bằng giữa việc làm & tiền lương, nhưng thái độ biết ơn luôn tạo ra những mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp sau này. Biết đâu công ty cũ sẽ là đối tác hoặc là khách hàng của mình trong tương lai…Bởi vì bạn cần hiểu rõ, ngày xưa ông chủ của ta cũng giống ta mà thôi…họ không đến nỗi là không hiểu tất cả các tâm tư cảm xúc đang trải ra trong lòng bạn…nhưng nếu bạn chỉ cần tỏ thái độ, hoặc mưu mô một chút thì ông chủ sẽ nhận ra ngay lập tức.

2. Nếu sợ không có tiền, nghỉ sẽ mất đi đồng lương, nên cào được tiền lương được bao nhiêu hay bấy nhiêu thì lại là một tư duy chưa đúng nữa. Bạn cần phải hiểu, tiền bạc chính là thời gian đó. Não chúng ta hoạt động theo kiểu còn bận tâm thì không thể làm việc khác…và còn lấy tiền thì còn bận tâm. Do vậy, bạn cần chấm dứt sự bận tâm này để chuyển sang sự bận tâm mới. Tôi dám cá chắc 100% những đồng tiền bạn cố lấy đó sẽ mất hết. Vì sao ư? Bởi vì khi bạn khởi nghiệp thì bạn cần giải quyết các vấn đề liên quan tới tài chính – đây là vấn đề cốt lõi. Ý tôi là không còn cách nào khác, bạn phải tiến hành vay mượn, trả lãi,…tức là tiến qua con đường nghiên cứu tài chính doanh nghiệp chuyên sâu, tự lập, tự chịu trách nhiệm để có được kỹ năng tính toán cán cân tài chính càng sớm càng tốt. Cái lợi của việc vay mượn, trả lãi...là bạn đang test lại khả năng chịu đựng khi bắt đầu bước qua con đường tự lo tài chính, bạn sẽ trưởng thành sớm hơn bạn tưởng.

Trước sau gì bạn cũng phải vay, mượn, nợ,…trước sau gì bạn cũng phải tự lo…hãy lo sớm để không bị mất thời gian.

3. Tư duy có bao nhiêu làm bấy nhiêu là tư duy luôn đúng. Nghĩa là sau khi bạn đã suy nghĩ, tính toán khả năng triển khai dự án & bạn cần bao nhiêu tiền thì hãy vay số đó,…đừng vay lớn hơn số bạn cần và tất nhiên phải tính toán những gì bạn cần cho thiệt kỹ, hãy bỏ các thứ cần liên quan tới vật chất, hưởng thụ ra khỏi đầu bạn ở giai đoạn đầu tiên này đi.

Tôi thấy một số trường hợp khởi nghiệp nhưng vẫn muốn bám lấy các giá trị cũ, là trong túi mình vẫn có tiền, là mình vẫn phải có những thói quen như thời đi làm công, vẫn được hưởng thụ cuộc sống như thời gian trước..điều này không thỏa. Khởi nghiệp và kiếm được nhiều tiền & được nhanh chóng hưởng thụ chẳng liên quan gì nhau hết. Khởi nghiệp là để bạn nâng cái tâm & cái tầm mình lên thôi. Đơn giản chỉ có thế. Cái tâm ở đây là cái tâm giúp đời, cái tầm ở đây là cái tầm hiểu biết. Hết, không liên quan tiền bạc, giàu sang, phú quý gì ở đây…

Hiểu được tư duy trên nghĩa là, ta rủ được 3 người thì làm 3 người, ta huy động được 1 tỷ thì làm 1 tỷ,…không cần bận tâm nó nhanh hay chậm, vì nhanh chậm thì so với cái gì? Khi bạn bứt ra tự thân thì cũng là lúc các định nghĩa trở nên cá nhân hóa, riêng biệt rồi. Không rên thiếu tiền, không than thiếu người, không trằn trọc về những gì ta được trao ban ở thời điểm này. Thiếu tiền thì hãy cố làm ra tiền dựa trên số tiền ta có, thiếu người thì hãy cố xây dựng ước mơ, chân lý sống & rủ rê những người cùng giá trị quan về làm chung…

KHÔNG QUAN TRỌNG TA ĐƯỢC BAN CHO THỨ GÌ? NHƯNG QUAN TRỌNG DỰA TRÊN NHỮNG THỨ TA ĐƯỢC BAN ĐÓ, TA SẼ KHAI THÁC CHÚNG NHƯ THẾ NÀO & TẠO RA NHỮNG GÌ?

Trong Kinh Thánh có dụ ngôn: ông chủ kêu các đầy tớ lại và phát tiền cho đi kinh doanh. Người được phát 5 đồng thì đi làm ăn và làm lợi ra 5 đồng, người được phát 2 đồng thì đi làm ăn và làm lợi được 2 đồng, người được phát 1 đồng thì than không đủ tiền & rồi trách ông chủ ích kỷ, nên đem chôn và không làm lợi ra được đồng nào.

Mỗi người được ban cho mỗi khả năng thú vị khác nhau, ứng dụng khả năng đó để gia tăng trải nghiệm & sự hiểu biết của mình lên bậc cao hơn thì đó là sứ mệnh cuộc đời. Được trao ít thì làm ít, được trao nhiều thì làm nhiều…ta cần hiểu tính trách nhiệm của việc nhận. Nhận được càng nhiều thì trách nhiệm càng nhiều. Bản chất luôn là thế. Nếu nhận nhiều mà trách nhiệm không tương xứng thì một ngày ta sẽ mất hết, trả lại hết. Hoặc bạn hy sinh bản thân trước rồi ngày mai sẽ nhận lại điều tốt đẹp sau? Bạn có dám hy sinh?

SỰ THỊNH VƯỢNG ỔN ĐỊNH SẼ ĐẾN VÀO NGÀY BẠN KHÔNG NGỜ, KHI BẠN ĐÃ TÍCH LŨY ĐỦ CÁI TÂM, CÁI TẦM

Cần nhấn mạnh rõ sự ổn định. Bạn luôn cảm nhận được điều này mà phải không? Nó len lỏi nằm trong tiềm thức. Lấy thí dụ như là: đúng là tôi đang kiếm được tiền, nhưng nó chưa ổn định và tôi đang lo lắng đây...Bạn đừng so sánh mình với ai về sự nhanh chậm, giàu nghèo. Bạn chỉ nên so sánh về niềm vui & sự ổn định thôi. Đó chẳng phải là nhiệm vụ của sinh mệnh bạn khi đến với thế giới này là setup lại điều gì đó cho trật tự và ổn định sao? Có rất nhiều người ở bề ngoài thể hiện sự giàu có nhưng trong lòng luôn bất an về sự thiếu tính ổn định. Vậy đừng so nữa, cũng đừng nghĩ là khởi nghiệp để làm giàu theo nghĩa đen nữa. Khởi nghiệp là hy sinh bản thân & giúp đời nhiều hơn. Việc hưởng thụ lại từ giá trị lao động của người khác thì tính sau. Chưa tạo ra giá trị cho được ai nhiều thì cũng đừng đòi hỏi người ta phải cho lại bạn nhiều.

Hy vọng, sự chia sẻ này sẽ có ích cho ai đó, những người bạn của tôi, khách hàng & đối tác của tôi.

Nguyễn Trí Nhân - CEO of Tedfast

Bài viết khác

Nhát búa 10.000$
Sống & làm việc
26/12/2022
Quỹ đạo - thói quen
Sống & làm việc
26/12/2022
Không mua - không bán
Sống & làm việc
25/12/2022
Chọn con tim hay là theo lý trí?
Sống & làm việc
26/12/2022
Tư duy cốt lõi, làm điều cốt lõi
Sống & làm việc
26/12/2022